Xương thuyền chính là 1 trong 8 xương của cổ tay và nó được sắp xếp thành 2 hàng. Xương thuyền có nhiệm vụ liên kết giữa 2 hàng xương cổ tay, đóng vai trò quan trọng đối với biên độ dao động của khớp.
1. Nguyên nhân dẫn tới gãy xương thuyền
Xương thuyền cổ tay bị gãy, có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, đụng xe… tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là khi ngã chống tay xuống đất khiến xương thuyền bị gãy.
Thông thường khi bị chấn thương và xuất hiện các cơn đau, sau đó triệu chứng sưng đau được cải thiện thì người bệnh cứ nghĩ chỉ bị bong gân cổ tay nên chủ quan không đi khám, tới khi khi khám và được chẩn đoán thì bệnh đã bị để chậm hàng tháng trời.
Xương là một cấu trúc sống nên cần được cung cấp chất dinh dưỡng ổn định để hoạt động bình thường. Thường thì nguồn cung cấp máu cho xương thuyền rất kém, khi xương thuyền bị giảm nguồn cấp máu, xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Khi bị gãy xương thuyền, nếu nguồn cung cấp máu bị giảm, dễ dẫn tới nguy cơ xương thuyền không thể liền xương.
Xương thuyền bị gãy có thể bị hoại tử, nếu xương này không lành lại như bình thường thì có thể trở thành một dạng viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh đau đớn và cổ tay bị hạn chế cử động.
2. Xử trí khi gãy xương thuyền cổ tay
Nếu bạn bị ngã và chống tay khiến tay bị sưng nề phần cổ tay và nghi bị gãy xương thuyền thì hãy tới ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ có thể hỏi bệnh sử để chẩn đoán; có thể khám thực thể hoặc tiến hành chụp Xquang cổ bàn tay. Có thể giai đoạn mới bị chấn thương chụp X-quang chưa thể phát hiện ra tình trạng gãy xương, bác sĩ sẽ chỉ định thêm Cả chụp CT và MRI để đánh giá về tình trạng của gãy xương thuyền. Người bệnh càng được chẩn đoán và điều trị sớm thì kết quả phục hồi của xương thuyền càng tốt.
Một số triệu chứng giúp nhận biết xương thuyền bị gãy: vùng cổ tay bị sưng, ấn vào thấy đau, tuy nhiên nó không có biến dạng rõ ràng, người bệnh chủ quan nghĩ chỉ bị bong gân, vì vậy bác sĩ cần hỏi tỉ mỉ về bệnh sử và khám lâm sàng mới có kết quả rõ được.
3. Điều trị gãy xương thuyền cổ tay
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ hoạt động cũng như mong muốn của người bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất.
Nếu trường hợp gãy xương thuyền mà không di lệch thì có thể lựa chọn phương pháp điều trị mà không cần mổ. Người bệnh sẽ được bó bột phần ngón cái và cổ tay khoảng 2 -3 tháng xương sẽ lành. Thường thì phương pháp điều trị này có khoảng 90% người bệnh sẽ lành xương thuyền cổ tay. Sau khi cắt bột sẽ mất khoảng một năm để cải thiện biên độ cử động cổ tay và chức năng của khớp.
Cũng có trường hợp người bệnh bị gãy xương thuyền không di lệch nhưng vẫn lựa chọn phương pháp phẫu thuật để rút ngắn thời gian bó bột. Tuy nhiên phương pháp này hiện nay vẫn còn gây tranh cãi và chưa phổ biến. Thậm chí kể cả trường hợp gãy xương thuyền cổ tay di lệch thì bác sĩ cũng sẽ xem xét tình trạng và mức độ hoạt động của người bệnh mà đưa ra tư vấn có nên phẫu thuật hay không.
Phương pháp phẫu thuật có một số ưu điểm như: Các phần mềm xung quanh ít bị tổn hại; Giảm nguy cơ nhiễm trùng; Rút ngắ thời gian hồi phục; Giảm thời gian phải nằm viện…
Khi chọn phương pháp phẫu thuật là nhằm kết hợp xương, mục tiêu chính là cố định chỗ gãy và thúc đẩy sự lành xương. Thực chất xương gãy tự lành lại, còn phẫu thuật chỉ có tác dụng cố định xương gãy. Có thể phải mất hàng tháng để xương gãy lành lại vì thế người bệnh cần có sự kiên trì. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được nghỉ ngơi, những ngày đầu sau phẫu thuật, cần nâng tay ngang bằng tim để quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Bác sĩ điều trị thường khuyến khích người bệnh hãy cử động nhẹ nhàng để tránh các khớp ngón tay bị cứng. Khi điều trị cổ tay và ngón tay của người bệnh sẽ được nẹp để bảo vệ chỗ xương bị gãy. Trong vòng 3 tháng sau mổ, người bệnh được khuyên tránh cầm nắm vật nặng để tránh tác động xấu và giúp xương sớm phục hồi.
Đa phần khớp cổ tay của người bị gãy xương thuyền cổ tay sẽ trở lại hoạt động bình thường sau mổ khoảng từ 4 – 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian phục hồi còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của xương gãy và biến chứng có thể xảy ra mà nó có thể chậm hơn.